Kiến trúc Phục Hưng là gì?
Kiến trúc thời kỳ Phục Hưng là phong trào kiến trúc được phát triển từ giữa thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XVII tại châu Âu. Phong trào kiến trúc này đánh dấu sự hồi sinh các giá trị tư tưởng và văn hóa vật chất của Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Nối tiếp phong cách kiến trúc Gothic và tiền thân của kiến trúc Baroque, kiến trúc Phục Hưng mang đậm dấu ấn tinh thần của thời đại. Khởi nguồn từ Florence với sự tiên phong của Filippo Brunelleschi, phong cách kiến trúc này nhanh chóng lan tỏa khắp các thành phố khác tại Ý, sau đó lan dần đến Pháp, Đức, Anh, Nga… mỗi nơi sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau và đặc trưng riêng biệt.
Lịch sử hình thành và phát triển
Giai đoạn tiền kỳ (1400 – 1500)
Giai đoạn đầu đánh dấu sự hình thành của kiến trúc Phục Hưng, tập trung vào việc áp dụng những nguyên tắc và chi tiết từ kiến trúc La Mã cổ đại. Kiến trúc sư tiên phong là ông Filippo Brunelleschi đã khẳng định tầm quan trọng của tỷ lệ, trật tự rõ ràng và tính chất toán học trong các thiết kế, tạo nên nền tảng khác biệt hoàn toàn so với phong cách kiến trúc Gothic.
Giai đoạn đỉnh cao (1500-1525)
Thời kỳ này là giai đoạn Phục Hưng Đỉnh, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của kiến trúc Phục Hưng, tiêu biểu với các công trình mang phong cách cổ điển, trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi. Kiến trúc sư Bramante là nhân vật có đóng góp quan trọng trong việc mở rộng phong cách kiến trúc này, với những công trình đương thời có thiết kế tinh tế và gây ảnh hưởng sâu sắc đến nền kiến trúc Ý vào thế kỷ XVI.
Giai đoạn hậu kỳ (1520-1600)
Giai đoạn này đánh dấu sự sáng tạo và tự do trong kiến trúc Phục Hưng, không còn bị ràng buộc hay tuân theo các nguyên tắc cố định. Kiến trúc sư tiêu biểu, nổi tiếng trong thời kỳ này là Michelangelo, nổi bật với phong cách kiểu cách và những cải tiến độc đáo trong thiết kế, như hệ thống cột nhiều tầng của mặt trước công trình. Ông cũng là người thiết kế Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican, biểu tượng quan trọng của đạo Công Giáo.
Những yếu tố ảnh hưởng đến phong cách kiến trúc thời Phục Hưng
Sự phát triển của khoa học đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc thời Phục Hưng. Các nhà thiết kế áp dụng những nguyên lý toán học vào kiến trúc, từ tỷ lệ vàng (1:1.618) đến kỹ thuật phối cảnh, để tạo ra các công trình cân đối và hài hòa.
Nghệ thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong phong cách kiến trúc thời kỳ này. Các họa sĩ và nhà điêu khắc như Michelangelo và Raphael đã góp phần nâng cao và đặc biệt chú trọng vào giá trị thẩm mỹ của các công trình qua các chi tiết như tượng điêu khắc, phù điêu và tranh vẽ, mang lại sự tinh tế và hoàn thiện cho kiến trúc.
Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng bởi tư tưởng nhân văn và tư tưởng cá nhân đã định hình lại hướng đi của lối kiến trúc này. Thay vì chỉ tập trung vào các công trình tôn giáo, các kiến trúc sư chủ chốt đã bắt đầu quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu đời sống, tạo ra các công trình theo phong cách Phục Hưng cho nhà ở, thư viện, trường học… Điều này phản ánh tư tưởng coi trọng con người và đặt niềm tin vào sức mạnh của tri thức.
Sự thay đổi từ những yếu tố khoa học, nghệ thuật và tư tưởng nhân văn đã làm cho kiến trúc Phục Hưng trở thành một phong cách kiến trúc để đời của nhân loại và có sức ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử kiến trúc châu Âu.
Đặc trưng nổi bật của phong cách kiến trúc phục hưng
Mặt bằng và mặt tiền
Mặt bằng của các tòa nhà thời Phục Hưng thường có hình vuông, đối xứng và sử dụng tỷ lệ dựa trên mô-đun. Ví dụ điển hình của chi tiết này chiều rộng lối đi trong các nhà thờ hay các cột được dùng làm đơn vị cơ bản để xác định tỷ lệ chuẩn cho toàn bộ công trình.
Mặt tiền kiến trúc là chi tiết đối xứng quanh trục dọc, thường kết hợp hình tam giác, hệ trụ và vòm, tạo sự tập trung vào trung tâm.
Đặc trưng về các kiểu hầm
Đặc trưng của hầm thời Phục Hưng là thiết kế không có khung sườn, với dạng nửa vòng tròn hoặc phân đoạn, thường đặt trên mặt bằng hình vuông thay vì hình chữ nhật như hầm Gothic. Bên cạnh đó, kiểu hầm thùng cổ điển cũng được tái sử dụng.
Cột, trụ và vòm
Trong kiến trúc Phục Hưng, các loại thức cột La Mã như Tuscan, Doris, Ionic, Corinthian và Composite được sử dụng vừa được ứng dụng để hỗ trợ cấu trúc công trình vừa làm chi tiết trang trí có tính đặc trưng riêng. Pilasters và cột dẹt trên tường, lần đầu được tích hợp thành hệ thống hoàn chỉnh trong Phòng thánh cũ của Brunelleschi.
Chi tiết vòm thường có dạng nửa vòng tròn, không có sườn và được đặt trên mặt phẳng vuông thay vì hình chữ nhật như vòm Gothic.
Mái vòm
Mái vòm, vừa là cấu trúc lớn nổi bật bên ngoài, vừa là giải pháp giúp không gian bên trong trở nên rộng rãi và thông thoáng hơn, trở thành yếu tố quan trọng của kiến trúc Phục Hưng.
Trần nhà
Trong thời kỳ Trung Cổ, trần nhà không phải là điểm nhấn nổi bật trong các công trình, chúng thường bị bỏ ngỏ và ít được trang trí. Còn đối với kiến trúc thời Phục Hưng, trần nhà được thiết kế với các ô, họa tiết và màu sơn hài hòa, tôn lên vẻ sang trọng và đẳng cấp của công trình.
Cửa chính và cửa sổ
Cửa chính trong các công trình kiến trúc Phục Hưng thường có dầm vuông, được đặt trong vòm hoặc trang trí bằng hình tam giác hoặc phần trán tường. Ở những vị trí lối vào không có cửa thường được thiết kế dạng cong và được có điểm nhấn trang trí lớn. Cửa sổ thường ghép đôi và nằm trong vòm bán nguyệt, với các thanh dầm vuông hoặc tam giác được sử dụng xen kẽ..
Tường
Tường bên ngoài thường được xây bằng gạch hoặc đá ốp lát, với các góc nhấn mạnh bằng tường nhám quoins. Đối với tường trong các tầng hầm và tầng trệt thường sử dụng tường nhám. Bên trong, các bức tường sẽ được quét vôi hoặc trang trí bằng bích họa lớn, tạo nên không gian trang trọng, hài hòa và tinh tế.
Các chi tiết trang trí
Các chi tiết trang trí ở các lối đi, hình nổi trên các bức tường được chạm khắc tỉ mỉ với độ chính xác tuyệt đối. Việc ứng dụng các chi tiết trong kiến trúc La Mã cũng là yếu tố quan trọng trong các chi tiết trang trí của kiến trúc Phục Hưng. Các kiến trúc sư phải có sự linh hoạt khi thiết kế các công trình kiến trúc đặc trưng để tránh sự lặp lại giữa các công trình.
Các chi tiết trang trí được xử lý tỉ mỉ hơn, đặc biệt là ở các góc và họa tiết trang trí trên cửa chính, cửa sổ và tường được làm nổi bằng thạch cao. Chi tiết này không lõm như trong kiến trúc Gothic và những bức tượng được đặt ở những vị trí rời rạc hơn, khác biệt hơn so với kiến trúc thời trung cổ.
Công trình kiến trúc phong cách Phục Hưng đặc sắc
Dưới đây là những công trình phong cách kiến trúc Phục Hưng tiêu biểu, cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh hoa của những công trình này:




