Triết lý Wabi Sabi và Kiến trúc Nhật Bản
Triết lý Wabi Sabi và Kiến trúc Nhật Bản

“Wabi Sabi là sự đánh giá trực quan về một vẻ đẹp thoáng qua trong thế giới vật chất, phản ánh dòng chảy không thể đảo ngược của cuộc sống trong thế giới tinh thần. Đó là một vẻ đẹp chỉ tồn tại trong sự khiêm tốn, mộc mạc, không hoàn hảo thậm chí thiếu hụt, một cảm nhận thẩm mỹ chỉ tìm thấy trong vẻ đẹp u sầu của vạn vật vô thường.” – Andrew Juniper.

Triết lý Wabi Sabi

Wabi Sabi là thuật ngữ đại diện cho thẩm mỹ Nhật Bản. Ở đó, tập trung vào việc chấp nhận tính phù du và sự không hoàn hảo. Khái niệm này bắt nguồn từ giáo lý Phật giáo về Tam pháp ấn, chia làm vô thường, khổ và sự không tồn tại hoặc thiếu vắng của bản ngã tự nhiên. Và đặc điểm của thẩm mỹ Wabi Sabi gồm: sự bất đối xứng, sự không bằng phẳng, sự lược giản hóa, sự cần kiệm, sự khắc khổ, sự khiêm nhường, sự gần gũi và am tường tính nguyên vẹn, đơn sơ mà vạn vật vận hành.

Wabi Sabi chính là phản đề của quan niệm về vẻ đẹp cổ điển phương Tây khi mà hoàn hảo được coi là một trong những giá trị ưu việt của nền văn hoá phương Tây, ngầm định vẻ đẹp như là sự hoàn hảo hóa khách quan.

Wabi Sabi trong nghệ thuật kiến trúc đương đại Nhật Bản

Kiến trúc đương đại Nhật Bản thành công và được thế giới ca ngợi một phần là do “linh hồn Nhật Bản” luôn để lại dấu ấn xuyên suốt trong ngôn ngữ kiến trúc của tác phẩm kiến trúc đương đại. Trong đó, sự ảnh hưởng thẩm mỹ Wabi Sabi đem lại dấu ấn cốt lõi và đậm nét nhất. Trong các sáng tạo mang những phong cách khác nhau của các thế hệ KTS đương đại Nhật Bản đều ẩn chứa các thành tố khác nhau của giá trị nội hàm Wabi Sabi. Mỗi người họ tiếp cận những “diện“ khác nhau trong “khối đa diện thẩm mỹ truyền thống“ Wabi Sabi và chuyển hóa nó trong hình thức kiến trúc mang hơi thở từng thời kỳ của thời đại.

Kenzo Tange là người có công dẫn đường đặt nền móng tư duy sáng tạo đúng đắn khi bắt đầu hành trình tìm tòi, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống trong sáng tạo cho các giai đoạn tiếp theo của kiến trúc đương đại Nhật Bản. Ánh sáng và vật liệu dưới sự sáng tạo tuyệt vời của ông đã truyền tải tinh thần truyền thống Wabi Sabi trong các thiết kế hiện đại.

Nhà thi đấu quốc gia Yoyogi

Tadao Ando kế thừa và chuyển tải tinh thần Wabi Sabi trong các công trình của mình bằng năng lực sáng tạo bản năng và trực cảm đặc biệt. Không gian sáng tạo của Tadao Ando “hướng nội”, được đặc trưng bởi ánh sáng và bóng tối. Vẻ đẹp, chiều sâu và sức cộng hưởng của bóng tối đánh dấu bản sắc văn hóa Nhật Bản-Wabi Sabi.

Bảo tàng He Art Museum (HEM)

Sejima Kazuyo và Nishizawa Ryuecủa của SANAA, với những ý nghĩa “mỏng manh nhẹ nhàng, xuyên suốt và phi vật liệu” kiến trúc của họ được đánh giá là biểu tượng cho cuộc sống hiện tại. Trong kiến trúc của họ, mọi thứ dường như “xuyên suốt” chỉ còn lại duy nhất không gian mà con người “trở về và hoà trộn” với thiên nhiên trong khi mọi “vỏ bọc” dường như biến mất.

Nông trại Grace, New Canaan, USA, KTS Sejima Kazuyo và Nishizawa Ryue

Có thể nói, phong cách kiến trúc Wabi Sabi chính là vẻ đẹp của tạo hóa, là kết tinh của những gì tự nhiên nhất. Sự thô vụng của Wabi Sabi không hướng con người ta đến một không gian sống hoàn mỹ nhưng lại giúp họ tìm thấy hạnh phúc gói trong vẻ đẹp nguyên sơ.

Nguồn: Tổng hợp

 

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận